contact@vietanalytics.vn C3, Lô 8, KĐT Định Công, Hoàng Mai, HN 0243 205 7222 / 0328 593 595

18/02/2021 10:40:39

Các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số DDCI do các địa phương tự quyết định, phụ thuộc vào đặc thù và ưu tiên của địa phương đó.

1. Danh sách các chỉ số thành phần

Các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số DDCI do các địa phương tự quyết định, phụ thuộc vào đặc thù và ưu tiên của địa phương đó.

Dưới đây là các chỉ số thành phần chủ yếu:

DDCI đánh giá chính quyền Địa Phương:

  • Tính minh bạch và tiếp cận thông tin
  • Chi phí không chính thức
  • Chi phí thời gian
  • Vai trò người đứng đầu UBND huyện-thị-thành phố
  • Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của chính quyền huyện-thị-thành phố
  • Cạnh tranh bình đẳng
  • Hỗ trợ doanh nghiệp
  • Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự
  • Khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh

DDCI đánh giá Sở, ban, ngành

  • Tính minh bạch và tiếp cận thông tin
  • Chi phí không chính thức
  • Chi phí thời gian
  • Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của sở, ban, ngành
  • Cạnh tranh bình đẳng
  • Hỗ trợ doanh nghiệp
  • Thiết chế pháp lý
  • Vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành, VPUBND tỉnh

2. Ý nghĩa các chỉ số thành phần DDCI

(1) Tính minh bạch và tiếp cận thông tin

Đề cập tới khả năng các doanh  nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể tìm hiểu, tiếp cận được các quy hoạch, kế hoạch, định hướng phát triển và văn bản pháp lý mang tính chất công khai của sở, ban, ngành và huyện-thị-thành phố cần thiết cho hoạt động kinh doanh của mình. Sự sẵn có của các loại tài liệu, mức độ tiện dụng của việc tìm kiếm và sự dễ dàng trong tiếp cận thông tin là những yêu cầu cần thiết để đảm bảo cho tính minh bạch. Tính minh bạch khi được đảm bảo sẽ góp phần giảm các chi phí trong việc tìm hiểu về pháp luật, chính sách, quy định, cũng như giảm các sai sót của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh khi thực hiện các thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, khi các thông tin được công khai rõ ràng sẽ giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có được sự nhìn nhận đầy đủ hơn về môi trường kinh doanh, giảm bớt tính bất định trong việc thực thi chính sách ở cấp sở, ban, ngành và cấp huyện-thị-thành phố.

(2) Chi phí không chính thức

Chi phí không chính thức là những khoản chi ngoài quy định mà các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải trả cho cán bộ, công chức, viên chức để có thể thực hiện các công việc một cách dễ dàng hơn (biếu tiền, tặng quà, mời tiệc chiêu đãi, lại quả hợp đồng, bồi dưỡng cho cán bộ...) là những hình thức khác nhau của chi phí không chính thức. Chỉ số chi phí không chính thức là công cụ để đo lường các khoản chi phí không chính thức mà doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải trả và các trở ngại do những chi phí không chính thức này gây ra đối với hoạt động kinh doanh, việc trả những khoản chi phí không chính thức có đem lại kết quả hay “dịch vụ” như mong đợi và liệu các cán bộ nhà nước có sử dụng các quy định của địa phương để trục lợi hay không.

(3) Chi phí thời gian

Đo lường thời gian doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính cũng như mức độ thường xuyên và thời gian phải tạm dừng kinh doanh để các cơ quan Nhà nước thực hiện việc thanh tra, kiểm tra. Đây được xem là một chỉ số quan trọng để đánh giá công tác cải cách thủ tục hành chính. Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đánh giá chỉ số này tốt chứng tỏ nỗ lực cải cách của tỉnh đi vào thực chất.

(4) Cạnh tranh bình đẳng

Chỉ số này đánh giá môi trường cạnh tranh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trước những ưu đãi dành cho doanh nghiệp nhà nước (DNNN), doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) và các doanh nghiệp thân quen với cán bộ các sở, ban, ngành và huyện-thị-thành phố, thể hiện dưới dạng các đặc quyền, ưu đãi khi tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tín dụng… và được ưu tiên đối xử trong thực hiện các thủ tục hành chính và chính sách.

(5) Hỗ trợ doanh nghiệp

Là một trong số các chỉ số thành phần mới được đưa vào bộ công cụ đánh giá chỉ số DDCI. Các hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh dưới nhiều hình thức khác nhau như: Hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, kinh doanh; thực thi các chính sách, chương trình hoạt động hỗ trợ của tỉnh và Trung ương, các dịch vụ hỗ trợ khác dành cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.

(6) Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự

Trong bộ chỉ số DDCI Bình Phước, đối tượng được đánh giá là các sở, ban, ngành và huyện-thị-thành phố. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của cấp sở, ngành và cấp huyện, chỉ số “Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự” được thiết kế và đánh giá thông qua: Cơ chế phản ánh, kiến nghị, khiếu nại; kênh để phản ánh, kiến nghị, khiếu nại và đánh giá hiệu quả của công tác giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại. Công tác đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.

(7) Khả năng tiếp cận đất đai và mặt bằng kinh doanh

Chỉ số này đánh giá hai góc độ: (i) Ghi nhận những khó khăn khi tìm kiếm mặt bằng sản xuất kinh doanh phù hợp, những khó khăn này không những làm doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh mất đi cơ hội đầu tư mà còn hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng; (ii) Đánh giá các chính sách liên quan đến đất đai có tạo ra “sự ổn định trong sử dụng đất”. Liệu doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có cảm thấy an tâm đối với các quyền sử dụng đất dài hạn của mình không? Khi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh yên tâm về tính ổn định của mặt bằng sản xuất, họ sẽ tự tin đầu tư lâu dài trên mặt bằng đó.

(8) Tính năng động, sáng tạo và hiệu quả hoạt động của sở, ban, ngành và chính quyền huyện-thị-thành phố

Đánh giá việc các sở, ban, ngành và huyện-thị-thành phố năng động, sáng tạo trong quá trình thực thi chủ trương chính sách của Trung ương và của tỉnh; việc đưa ra những sáng kiến riêng nhằm phát triển cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong tỉnh, đồng thời đánh giá khả năng hỗ trợ và áp dụng những chính sách đôi khi chưa rõ ràng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, cũng như tính hiệu lực thực thi của các sở, ban, ngành và huyện-thị-thành phố với các chủ trương của lãnh đạo tỉnh.

(9) Vai trò của người đứng đầu sở, ban, ngành và UBND huyện-thị-thành phố

Với quan điểm vai trò người đứng đầu có ảnh hưởng quyết định đến công tác cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nên hiện nay chỉ số này đã được nhiều địa phương đưa vào đánh giá. Chỉ số thành phần này đánh giá vai trò, tính sáng tạo, quyết đoán của người đứng đầu (sở, ban, ngành và chính quyền huyện-thị-thành phố) trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp. Chỉ số này cũng đo lường mức độ ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đối với lãnh đạo các sở, ban, ngành và huyện-thị-thành phố.