Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ngành, Địa phương - DDCI (Department & District Competitiveness Index) là một chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các Sở, Ngành, Địa phương trên toàn tỉnh.
1. Bộ chỉ số DDCI là gì?
Bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp Sở, Ngành, Địa phương - DDCI (Department & District Competitiveness Index) là một chỉ số tổng hợp sử dụng để đánh giá các khía cạnh khác nhau về năng lực điều hành kinh tế và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các Sở, Ngành, Địa phương trên toàn tỉnh.
Bộ chỉ số DDCI được xây dựng dựa trên cơ sở bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh - PCI (Provincial Competitiveness Index) của phòng Thương mại và Công Nghiệp Việt Nam phối hợp với USAID (Hoa Kỳ). PCI đo lường và xếp hạng chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về môi trường đầu tư, kinh doanh để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thông qua cảm nhận của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bộ chỉ số DDCI được tỉnh Lào Cai, Quảng Ninh triển khai thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 2015 và triển khai chính thức kể từ năm 2016 đến nay. Bộ chỉ số này sau đó đã được nhiều tỉnh thành khác học tập, áp dụng, chẳng hạn như: Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Đồng Tháp…
2. Tại sao cần có bộ chỉ số DDCI?
- Cung cấp công cụ hiệu quả cho cơ quan nhà nước cấp trên tiến hành giám sát và thúc đẩy nâng cao chất lượng điều hành đối với cơ quan nhà nước cấp dưới.
- Hỗ trợ lãnh đạo các cơ quan nhà nước nắm được các đánh giá từ doanh nghiệp, nhà đầu tư về tình hình hoạt động của đơn vị, từ đó có thể lựa chọn và triển khai các biện pháp cải thiện.
- Tạo sự cạnh tranh, thi đua lành mạnh giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc cải thiện mức độ hài lòng của nhà đầu tư, doanh nghiệp.
- Xác định được và nhân rộng, lan tỏa những thực tiễn tốt trong cải cách hành chính tại chính các đơn vị.
- Tạo ra kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
- Kích hoạt và thúc đẩy có định hướng tư duy sáng tạo trong công việc, thông qua thay đổi cách thức làm việc nhằm giảm thiểu nhũng nhiễu trong thực hiện thủ tục hành chính.
- Xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện, năng động và cầu thị.
3. Những nguyên tắc để xây dựng bộ chỉ số DDCI
- Nguyên tắc tuân thủ: Bộ chỉ số DDCI được xây dựng phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật, dựa trên thực tiễn rà soát, đánh giá sát với chức năng, nhiệm vụ của các sở, ban, ngành và huyện-thị-thành phố liên quan trực tiếp tới chất lượng điều hành kinh tế và môi trường kinh doanh.
- Nguyên tắc gắn kết trách nhiệm: Các nội dung đánh giá DDCI cần phản ánh được cảm nhận của đối tượng điều tra về kết quả xử lý các thủ tục hành chính nói riêng, năng lực và thái độ của cán bộ, công chức từng sở, ban, ngành và huyện-thị-thành phố trong phục vụ, hỗ trợ doanh nghiệp.
- Nguyên tắc khả thi: Việc xây dựng và triển khai đánh giá DDCI phải khả thi phù hợp với bối cảnh và khả năng thực hiện; đảm bảo triển khai được trên diện rộng và thu thập được dữ liệu đảm bảo chất lượng để đánh giá, so sánh.
- Nguyên tắc chính xác, khoa học và minh bạch: Phương pháp xây dựng các chỉ số thành phần, cách thức tiến hành khảo sát và việc phân tích kết quả cần phản ánh trung thực, khách quan cảm nhận của các đối tượng trong mẫu điều tra; việc chọn mẫu khảo sát phải khoa học qua các phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên, thể hiện tính đại diện và độ tin cậy. Bên cạnh đó khi thực hiện đánh giá DDCI cần minh bạch về quy trình tổ chức thực hiện, về trách nhiệm của các bên liên quan và việc phân tích, đánh giá dựa trên bằng chứng thu thập được từ khảo sát, chứ không phải là những đánh giá chủ quan của đơn vị thực hiện.
- Nguyên tắc có ý nghĩa: Kết quả rút ra từ khảo sát đánh giá DDCI phải có ý nghĩa đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực điều hành kinh tế cấp sở, ngành và cấp huyện, từ đó góp phần vào nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chung của toàn tỉnh một cách hiệu quả.
- Nguyên tắc bảo mật: Phiếu trả lời khảo sát DDCI cần phải mã hóa và lưu trữ, bảo mật danh tính của doanh nghiệp, tổ chức phản hồi khảo sát để tạo dựng lòng tin của người trả lời phiếu khảo sát; bảo mật thông tin kết quả đánh giá DDCI cho đến thời điểm tổ chức công bố nhằm đảm bảo tính khách quan của kết quả đánh giá.